Mỗi suất cơm 2.000 đồng

Thời tiết oi nồng sau cơn mưa dang dở của ngày đầu hè dường như tan biến, khi chúng tôi bước chân vào khuôn viên rợp bóng cây của quán cơm Nụ cười Shinbi. Trong khoảng sân có vài chục bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn để đón chừng 200 – 300 thực khách vào mỗi buổi chiều.

Những bệnh nhân K đến với quán ăn Nụ cười Shinbi 2.000 đồng/suất cơm.

Sau đợt 1 với 5 tháng xạ trị điều trị K vòm họng, khuôn mặt bà Phạm Thị Bản (Hưng Yên) gầy, xám ngắt, tóc chỉ còn lún phún trên đầu. Hiện bà Bản đang bước vào đợt xạ thứ 2 với 33 mũi xạ.

Có mặt tại Quán cơm Nụ cười Shinbi, bà Bản cho hay: “Từ đợt điều trị trước, tôi đã trở thành khách quen của quán cơm này. Tôi đến đây không chỉ bởi cơm ngon, canh ngọt với giá 2.000 đồng, mà còn bởi các cô, các chú ở đây thân thiện, coi chúng tôi như người nhà. Đợt điều trị trước, thấy tôi ăn chậm, họ luôn hỏi han, động viên. Hôm nào xạ mệt quá, tôi lại nhờ người cùng phòng sang xin cơm về”.

Chỉ vào đĩa cơm trên bàn, bà Nguyễn Thị Nhàn (74 t.uổi, Thái Bình) nói: “Bữa ăn như thế này là quá tuyệt vời. Những suất ăn đủ chất là nguồn động viên tinh thần rất lớn với các bệnh nhân ung thư nghèo như chúng tôi”.

Cùng điều trị với bà Nhàn, bà Tạ Thị Thảo (67 t.uổi, Hưng Yên) cho biết, cánh tay phải của bà hiện sưng vù, phải xạ từ trường và vật lý trị liệu hàng tháng tại bệnh viện, chưa kể mới xuất hiện nang giáp, nang thận…

Không có lương hưu, phần lớn việc chi trả thuốc men, đi viện của bà là nhờ mấy đứa con gom góp. Với bà Thảo, mỗi lần đến quán cơm Nụ cười Shinbi không chỉ là được ăn bữa cơm ngon như ở nhà, mà còn là dịp để gặp gỡ, sẻ chia với nhiều người cùng cảnh ngộ.

Muôn tấm lòng thiện nguyện

Chia sẻ với PV, anh Võ Tiên Lâm, chủ quán chia sẻ: “Vợ chồng tôi là tình nguyện viên của quán trong đợt cao điểm dịch Covid-19. Khi chủ quán cũ giải thể, thấy nhiều bệnh nhân, người lao động nghèo rất cần sự giúp đỡ, vợ chồng tôi quyết tâm tiếp quản lại quán cùng với sự giúp đỡ của nhiều người bạn”.

Những tình nguyện viên tại quán ăn Nụ cười Shinbi.

Chị Trà My (vợ anh Lâm) cho biết, khi mới tiếp quản, mỗi ngày quán cung cấp chừng 200 suất ăn, nhưng giờ thì gấp đôi. Thậm chí, những ngày đổi món nước (bún, miến, phở…) thì lên tới 600 – 700 suất. Có những ngày, chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ, 400 suất cơm đã hết veo, bệnh nhân vẫn kéo đến. Vậy là thêm 100 suất mỳ được nhanh chóng chuẩn bị từ nguồn thực phẩm dự trữ.

Với mỗi suất cơm chỉ 2.000 đồng, chúng tôi muốn khách hàng được quyền trả t.iền, để không ai phải cảm thấy ái ngại, hay mắc nợ. Ngoài ra, khi thanh toán mọi người có thể mời nhau, trả dùm cho nhau, đó là một việc rất ý nghĩa, giúp mọi người có cảm giác thoải mái. Điều này rất ý nghĩa đối với các bệnh nhân và những người lao động đang phải chống chọi với bệnh tật và cuộc sống vất vả.

Anh Võ Tiên Lâm

“Chúng tôi luôn cố gắng phục vụ tối đa, khách đã đến sẽ không để họ bụng đói quay về, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng là đồ dự trữ cũng đã cung cấp hết”, chị Trà My chia sẻ.

Ở quán ăn Nụ cười Shinbi, tất cả được vận hành trơn tru bởi những tấm lòng thiện nguyện, người góp t.iền, góp hàng, người góp thời gian, công sức.

Để duy trì thường xuyên quán ăn, vợ chồng anh Lâm cũng phải thay đổi ít nhiều thói quen sinh hoạt và làm việc của mình. Từ một biên tập viên làm việc tại một cơ quan báo chí, anh Lâm chuyển đổi sang vị trí phóng viên để linh hoạt thời gian cùng vợ quán xuyến bếp ăn. Còn chị My, công việc riêng cũng được thu xếp gọn trong buổi sáng để cả buổi chiều dành cho quán.

Ông Nguyễn Thanh Cảnh (64 t.uổi, trú quận Hoàng Mai) cũng quyết định dành thời gian nghỉ ngơi của t.uổi già để góp sức xây dựng quán ăn thiện nguyện. 5 buổi chiều/tuần, cứ đầu giờ ông Cảnh lại rời nhà từ hồ Đền Lừ đi đến quán.

“Đến đây, chúng tôi cứ thấy việc là làm thôi, từ dọn dẹp, kê bàn ghế, chia suất ăn… ai cũng vậy cả. Khi mình bê cơm ra, nhiều người chắp tay nói “nếu không có các anh chúng tôi đói” khiến tôi xúc động vô cùng”, ông Cảnh kể.

Cách đây 16 năm, vợ ông Cảnh cũng từng mắc K nhưng may mắn đến giờ sức khỏe của bà vẫn tốt. Thi thoảng bà vẫn theo chân ông tới phát cơm cho bệnh nhân. Hai người con của ông Cảnh cũng vậy, khi thì tới quán giúp một tay, lúc thì gửi t.iền góp vào bữa ăn ở quán.

Dù không thường xuyên, nhưng nhiều người cũng quen với hình dáng của bà Liễu (67 t.uổi) lụi cụi dọn dẹp, rửa bát đũa để quán sẵn sàng đón khách. Xong xuôi phần việc của mình, khi những thực khách đầu tiên đến quán cũng là lúc bà lặng lẽ xách túi, đón chuyến xe buýt trở về tiếp tục công việc đón cháu, chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình.

“Tôi không có t.iền nhưng ông trời cho sức khỏe. Cứ rảnh là tôi đón xe buýt từ Xã Đàn lên đây, có việc gì cần làm ở quán thì tôi làm”, bà Liễu cho biết.

Cũng tại đây, nhiều bạn trẻ đến lặng lẽ làm việc, rồi cũng lặng lẽ rời đi… như thể đó là phần việc vốn dĩ dành cho họ vậy.

Chỉ một nhân viên được trả lương

Chị Trà My cho biết, cho dù mỗi buổi chiều luôn có khoảng chục người đến làm việc nhưng chỉ một người được trả lương để quán xuyến từ việc dọn dẹp, chuẩn bị làm thực phẩm sớm. Còn lại từ đầu bếp đến các khâu chia đồ ăn, phát đồ ăn, kê bàn, dọn ghế… mọi người đều tình nguyện đến làm.

Anh Tiên Lâm thì bộc bạch: “Bản thân vợ chồng tôi chỉ là cầu nối để mọi người có tấm lòng cùng chung tay duy trì quán. Người giúp nhặt rau, người nấu ăn, người trồng rau sạch mang đến, người giúp lợp mái che mưa, người tặng t.iền, người góp bộ nồi điện…”.

Cứ vậy, quán cơm 2.000 đồng “tiếng lành, đồn xa”, ngày càng nhiều bệnh nhân tìm tới. Điều đó cũng đồng nghĩa khối lượng công việc ngày một lớn hơn. Nhưng theo lời anh Lâm, chị My và các tình nguyện viên nơi đây, nhìn người bệnh ăn ngon miệng, tươi vui khi ghé quán, họ sẽ tiếp tục cố gắng hết sức.

Chia sẻ thêm về dự định với quán Nụ cười Shinbi, anh Lâm cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng cho mượn bếp, mượn quán, hay đứng ra nấu thêm nhiều bữa ăn hơn nữa nếu bất kỳ đơn vị, cá nhân mạnh thường quân có mong muốn tặng bà con những suất ăn ngon”.